Trong hai tuần gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận và khám cho hơn 100 bệnh nhân viêm da tiếp xúc do bị kiến ba khoang cắn, lượng bệnh nhân này tăng rõ rệt so với trước đó.
Ngày 1/10, ThS. BS Quách Thị Hà Giang – Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho GĐ&XH biết, trong 2 tuần gần đây, mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận và khám khoảng hơn 100 bệnh nhân viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Theo nhận định của các bác sĩ, lượng bệnh nhân này là tăng đột biến rõ rệt.
Bệnh nhân đến khám thường sau 3-4 ngày từ khi có vệt đỏ đầu tiên do tiếp xúc độc tố của kiến. Có những gia đình 2-3 người bị, đều tổn thương nặng. Mặc dù được truyền thông nhiều về dấu hiệu nhận biết, cách giảm độc tố khi không may tiếp xúc chất độc của kiến ba khoang nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan, tự ý điều trị bằng những phương pháp chưa được kiểm chứng.
Điển hình là hai bố con ở Hà Nội đến viện trong tình trạng một bên mắt sưng nề, đỏ, má có một số mụn mủ tạo thành dải, vệt. Bệnh nhân đau rát nhiều, khó chịu, không mở được mắt. Theo lời kể, ban đầu hai bố con chỉ thấy vướng, rát mắt nhưng không để ý, không nghĩ do kiến ba khoang nên lấy tay quệt, gãi, dụi và tự mua kem acyclovir bôi nên tổn thương rát hơn, không đỡ sưng nề, phải tới viện.
Trường hợp bệnh nhân tiếp theo là chị H. (Hà Nội), thời gian gần đây trong nhà chị xuất hiện nhiều kiến ba khoang. Từ một nốt nhỏ gần mắt, vì ngứa, đau rát khó chịu, chị liên tục gãi, dụi, bôi thuốc nhưng không đỡ, tổn thương lan rộng ra, đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài khiến chị rất đau, rát.
Sự khó chịu tăng dần, chị đã đến khám ở Bệnh viện Da liễu Trung ương. Lúc này, tổn thương lan hết vùng mũi, hai má, cằm, thậm chí lan xuống cổ, mưng mủ trắng xanh, dấu hiệu bội nhiễm. Không những có triệu chứng tại chỗ, đau rát, toàn thân chị còn sốt, nổi hạch vùng lân cận.
Ngoài ra, một trường hợp khác là bệnh nhân nam (35 t.uổi, ở Mỹ Đình, Hà Nội). Ban đầu anh chỉ có vài chấm nhỏ ở cằm, cổ, đau rát. Nghĩ chồng bị “giời leo” ( zona thần kinh), vợ bệnh nhân lên mạng “học” bài thuốc nhai 7 hạt gạo nếp và đỗ xanh đắp vào vùng tổn thương của chồng nhưng chỉ khiến đau rát và lan rộng hơn, phải đến viện khi khắp cổ, ngực bệnh nhân loang đỏ, bội nhiễm.
Bệnh nhân nhập viện điều trị do bị kiến ba khoang cắn. Ảnh: CATPHCMN
Trao đổi với PV, bác sĩ Giang cho hay, kiến ba khoang gây bệnh không phải là đốt mà do dịch tiết ra, dính vào da hay qua tay gây ra viêm da tiếp xúc tại chỗ. Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc của rắn hổ.
Tuy nhiên, do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây c.hết người như nọc rắn mà chỉ tổn thương tại da. Dù vậy, độc tố này có thể gây những biến chứng nặng. Bệnh nhân có thể bị tổn thương lan toả vùng lân cận, sốt, khó chịu toàn thân, gây bội nhiễm da, tăng sắc tố sau viêm, một số bệnh nhân nặng hơn thì để lại sẹo.
Do đó, bác sĩ Giang khuyến cáo khi phát hiện có kiến ba khoang, người dân nên đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót, tuyệt đối không chà sát, đ.ập kiến để dịch độc tiết ra. Nếu lỡ tay đ.ập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da, cần lập tức rửa dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng để làm giảm nhẹ độc tố.
Cảnh giác với viêm da do kiến ba khoang
Theo BS Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu trung ương, bệnh viện thường tiếp nhận đông bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.
Thời điểm này, số bệnh nhân đã bắt đầu gia tăng. Viêm da do kiến ba khoang có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của cơ thể.
Biểu hiện là những vệt đỏ dài nổi gồ trên da, trên đó có mụn nước và vết trợt do mụn nước vỡ như vết phỏng. Những vết đỏ này có cảm giác đau và bỏng rát. Những biểu hiện mụn nước, phồng rộp và cảm giác bỏng rát da rất dễ nhầm tưởng là bệnh zona.
Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyên khi bị kiến ba khoang đốt hay bò vào người mà lỡ tay đ.ập c.hết, chà xát trên da thì cần nhanh chóng rửa ngay bằng nước sạch với xà phòng tại phần da nghi ngờ bị độc chất của kiến ba khoang xâm nhập.