Biện pháp nào cho hệ tiêu hóa bị “quá tải” trong dịp Tết?

Đầy bụng, ăn không tiêu là “căn bệnh Tết” mà ai trong chúng ta cũng từng gặp phải. Những biểu hiện này cảnh báo rằng hệ tiêu hóa của chúng ta đang bị quá tải do bổ sung lượng lớn thức ăn một cách bừa bãi.

Đầy bụng, ăn không tiêu nguy hiểm như thế nào?

Ăn không tiêu đầy bụng là triệu chứng do rối loạn tiêu hóa gây nên. Bình thường sau bữa ăn khoảng 30 phút – 1 tiếng, thức ăn đã được tiêu hóa bớt đi và dạ dày có thể tiếp tục nạp thêm. Tuy nhiên ở những người mắc chứng ăn không tiêu thì hoàn toàn ngược lại.

Một trong những nguyên nhân ăn không tiêu hàng đầu là do thói quen xấu như: ăn quá nhiều hoặc quá nhanh, nói chuyện trong khi ăn, không nhai kỹ… khiến cho dạ dày phải làm việc vất vả. Bên cạnh đó, việc mất cân đối thức ăn như nạp nhiều thực phẩm khó tiêu và dễ sinh hơi sẽ gây ra tình trạng tiêu hóa chậm chạp. Một số thực phẩm khi ăn nhiều gây khó tiêu đầy bụng có thể kể đến như thức ăn giàu tinh bột, món ăn xào rán nhiều dầu mỡ, rượu bia, đồ uống có ga,…

bien phap nao cho he tieu hoa bi qua tai trong dip tet 40cae0

Bia rượu và các thực phẩm khó tiêu là nguyên nhân hàng đầu gây đầy bụng, ăn không tiêu và dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác trong dịp Tết

Trong dịp Tết, việc các thực phẩm này thường xuyên xuất hiện trên bàn tiệc với tần suất dày đặc, khi được kết hợp cùng các chất kích thích có trong bia rượu sẽ khiến hệ tiêu hóa khó có thể dung nạp và chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong một thời gian ngắn. Đó cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến đầy bụng khó tiêu trở thành căn bệnh phổ biến hơn trong khoảng thời gian này.

Ăn không tiêu đầy bụng có thể xuất hiện từng đợt hoặc thường xuyên với các triệu chứng điển hình như: sau khi ăn khoảng 30 phút có biểu hiện đầy bụng; bao tử co thắt bất thường kèm theo bụng nóng lên; ợ hơi, xì hơi nhưng vẫn không thấy giảm cảm giác đầy bụng; cơn đau bụng xuất hiện âm ỉ kéo dài và có xu hướng ngày một nặng hơn…Tuy nhiên nhiều người vẫn cho rằng đầy bụng khó tiêu chỉ là triệu chứng tạm thời do dung nạp quá nhiều chất dinh dưỡng nhưng cơ thể lại chưa kịp chuyển hóa hết mà không biết tình trạng này có thể gây hậu quả nghiêm trọng về sau cho hệ tiêu hóa.

Cụ thể nếu tình trạng đầy bụng khó tiêu kéo dài, lâu dần người bệnh sẽ mất cảm giác thèm ăn, dẫn đến tình trạng chán ăn. Đặc biệt hệ quả lớn nhất phải kể đến là chứng rối loạn tiêu hóa. Căn bệnh này thường rất khó dứt điểm và thường tái đi tái lại nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và nếu để lâu sẽ dễ biến chứng thành các bệnh đường ruột nguy hiểm như viêm đại tràng, ung thư đại trực tràng,…

Các biện pháp chữa đầy bụng, ăn không tiêu

Trong Tây y, khi điều trị chứng bệnh ăn không tiêu, đầy bụng, các bác sĩ thường kê đơn một số nhóm thuốc như thuốc điều hòa co bóp dạ dày: Metoclopramid, Domperidon… làm tăng khả năng co bóp của thành dạ dày, giúp đưa thức ăn xuống ruột non tiêu hóa hiệu quả; thuốc tiêu hóa: Alipase, Festal… cung cấp men tiêu hóa nhằm chia thức ăn thành phân tử nhỏ hơn như acid amin, acid béo để cơ thể dễ hấp thụ.

Bên cạnh đó các bài thuốc dân gian từ thảo dược cũng được nhiều chuyên gia sức khỏe khuyên dùng do có tác dụng hỗ trợ giảm đầy bụng khó tiêu hiệu quả như:

– Lá bạc hà: Việc nhai sống lá bạc hà thường xuyên rất tốt cho hệ tiêu hóa. Tinh dầu bên trong lá bạc hà giúp loại bỏ triệu chứng ăn không tiêu như đau bụng, ợ nóng, đầy hơi…

bien phap nao cho he tieu hoa bi qua tai trong dip tet 16c84c

Các loại trà từ thảo dược có tác dụng hỗ trợ điều trị chứng đầy bụng, ăn không tiêu hiệu quả

– Hạt tiêu: Các nghiên cứu hiện đại chỉ ra rằng hạt tiêu chứa hàm lượng kali cao giúp cải thiện chức năng tiêu hóa của dạ dày. Cho 1 – 2 hạt tiêu đen vào sữa nóng, khuấy đều và uống hàng ngày sẽ ngăn chặn việc hình thành khí ở dạ dày.

– Lá ổi: Lấy 1 nắm lá ổi bỏ vào nước nóng hãm uống hàng ngày có tác dụng chống viêm, loại bỏ vi khuẩn gây hại trong đường ruột.

– Gừng: Gừng là một loại gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày và có tác dụng chữa nhiều loại bệnh, đặc biệt các bệnh liên quan đến hệ tiêu hoá. Chính nhờ vào enzym có trong gừng giúp dễ dàng p.hân h.ủy các protein trong thức ăn và chống dị ứng thức ăn rất tốt.

– Tía tô: Theo Đông y, tía tô có vị cay, tính ấm, có tác dụng chữa đầy bụng khó tiêu và ngộ độc do thức ăn rất tốt. Bạn có thể chưng cách thuỷ nước tía tô và uống khi còn ấm để tăng hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy quá trình tiêu hoá và giảm cảm giác chướng bụng.

Bên cạnh đó việc chia nhỏ bữa ăn và sử dụng các thực phẩm dễ tiêu là cách hiệu quả để tránh tình trạng đầy bụng khó tiêu trong dịp Tết. Việc ăn ba bữa ăn lớn hàng ngày có thể khiến bạn ngao ngán và hiện tượng đầy bụng xuất hiện. Hãy chia những bữa ăn chính thành những bữa nhỏ hơn và tiêu thụ một lượng thức ăn vừa phải để tránh tạo áp lực cho hoạt động của dạ dày, thường xuyên tăng cường vận động, tham gia các môn thể thao nhẹ nhàng và luôn giữ tinh thần thoải mái.

Theo SK&ĐS

Lý giải hiện tượng khó thở sau khi ăn

Cảm thấy hơi khó thở sau bữa ăn thường xuyên xảy ra thì có thể là do một nguyên nhân tiềm ẩn thậm chí là nghiêm trọng nào đó.

ly giai hien tuong kho tho sau khi an 32fe4f

Ăn quá nhiều hoặc quá nhanh

Dạ dày sẽ trở nên phình to hơn sau khi tiêu thụ nhiều thức ăn hoặc ăn quá nhanh. Bạn cũng có thể cảm thấy vùng bụng trên căng phồng lên, dạ dày phình giãn ra và ép vào cơ hoành sẽ làm cho bạn khó thở sau ăn.

Dị ứng thực phẩm

Khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức đối với thực phẩm hoặc các chất chứa trong thực phẩm đó có thể gây ra tình trạng khó thở. Thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất là lạc (đậu phộng), lúa mì, sữa, cá, sò ốc, tôm, cua…

Các bệnh lý hô hấp

Đường hô hấp bị tắc do chất nhầy hoặc đờm sẽ làm cho không khí di chuyển vào và ra phổi trở nên khó khăn khiến bạn cảm thấy không thở được. Bạn cũng có thể cảm thấy khó thở khi bạn bị hen suyễn. Viêm phổi cũng có thể gây ho và thở gấp.

Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản

Trào ngược dạ dày – thực quản cũng có thể là nguyên nhân của khó thở sau khi ăn. Đó là một tình trạng mà trong đó thực quản dưới của bạn mở ra không hợp lý, khiến acid và thực phẩm từ dạ dày di chuyển ngược lên và đi vào thực quản. Bạn cũng có thể cảm thấy thắt nghẹt ở mỏ ác cũng như ở vùng bụng dưới của bạn đi kèm với ho khan, khàn giọng, khó thở và khó nuốt.

Rối loạn nhịp tim

Bạn có thể không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nếu bị rối loạn nhịp nhẹ, nhưng nếu rối loạn nhịp tim nặng có thể gây ra các triệu chứng như khó thở, kiệt sức, tức ngực và ngất xỉu. Trong một số trường hợp hiếm hoi, loạn nhịp cũng có thể dẫn đến ngừng tim.

Chứng rối loạn lo âu

Các rối loạn lo âu là các loại bệnh tâm lý đặc trưng với hoang tưởng, sợ hãi và bồn chồn. Bạn có thể nhận thấy các triệu chứng khác nhau trong các chứng rối loạn lo âu, chẳng hạn như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn hoảng loạn, ám ảnh và lo lắng, trong đó khó thở là một triệu chứng thường gặp của rối loạn lo âu.

Để giảm nguy cơ khó thở sau khi ăn

Ăn nhai chậm và kỹ. Tránh nằm ngủ ngay sau khi ăn, tối thiểu 1-2 giờ sau khi ăn mới nằm.

Tập thể dục thường xuyên, nhưng không được ngay sau bữa ăn, tối thiểu 2 giờ sau ăn bạn mới bắt đầu tập thể dục. Duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Tránh các thực phẩm chế biến sẵn. Tăng cường ăn ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau cải. Ăn nhiều cá nước lạnh như cá thu, cá hồi. Hạn chế các chất đạm như thịt đỏ.

Theo anninhthudo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *