5 mẹo ăn uống cho năm mới khỏe mạnh

Năm mới đã bắt đầu, bạn cũng đặt ra những mục tiêu dài hạn cho bản thân. Dù cho đó là kế hoạch to lớn chừng nào, thì cũng đừng quên 5 mẹo ăn uống lành mạnh do WHO gợi ý để giúp cơ thể luôn khỏe, giàu năng lượng.

Ăn nhiều loại thực phẩm

5 meo an uong cho nam moi khoe manh 00af6f

Các loại hoa quả tươi quen thuộc có lợi cho sức khỏe cơ thể. Ảnh: WHO

Cơ thể của chúng ta cực kỳ phức tạp, không một loại thực phẩm nào có chứa tất cả các chất dinh dưỡng để cung cấp đủ cho nhu cầu của cơ thể. Vì vậy, chế độ ăn uống phải đa dạng là tiêu chí hàng đầu trong những mẹo ăn uống lành mạnh.

Có nhiều loại thực phẩm để thỏa mãn nhu cầu này. Theo các chuyên gia, bạn hãy ăn hỗn hợp các loại thực phẩm, ví dụ: lúa mì, ngô, gạo và khoai tây với các loại đậu. Bên cạnh đó, bổ sung nhiều trái cây tươi, rau và thực phẩm từ các nguồn động vật như thịt, cá, trứng và sữa.

Hãy chọn các thực phẩm nguyên hạt gồm ngô chưa qua chế biến, kê, yến mạch, lúa mì và gạo nâu vì chúng rất giàu chất xơ, có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.

Đối với đồ ăn nhẹ, hãy chọn rau sống, các loại hạt không ướp muối và trái cây tươi thay cho các loại thực phẩm có nhiều đường, chất béo hoặc muối.

Giảm ăn muối

5 meo an uong cho nam moi khoe manh a166dd

Giảm lượng muối sử dụng trong bữa ăn giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Ảnh WHO

Quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người thường sử dụng quá nhiều muối, tiêu thụ gấp đôi lượng muối mà WHO khuyến nghị và sử dụng các thức ăn chế biến sẵn – nhóm thực phẩm có lượng lớn natri, muối.

Nếu bạn muốn cắt giảm muối trong bữa ăn, hãy bỏ thói quen nêm nhiều muối và giảm sử dụng nước sốt mặn, gia vị gồm nước tương, nước mắm… trong khi chế biến thức ăn. Tập thói quen không sử dụng đồ ăn nhẹ có nhiều muối, hãy thử và chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh hơn để thay thế.

Khi sử dụng rau, quả và trái cây đóng hộp, hãy chọn các loại không có thêm muối và đường. Bên cạnh đó, bạn nên kiểm tra nhãn trên thực phẩm và tìm sản phẩm có hàm lượng natri thấp hơn.

Giảm sử dụng một số chất béo và dầu

5 meo an uong cho nam moi khoe manh 85d86c

Thực phẩm chiên, rán có chứa chất béo gây hại cho cơ thể. Ảnh WHO

Tất cả chúng ta đều cần một chút chất béo trong chế độ ăn kiêng, nhưng ăn quá nhiều – đặc biệt là các loại chất béo có hại – sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim và đột quỵ. Trong đó, chất béo được sản xuất công nghiệp là nguy hiểm nhất cho sức khỏe. Chế độ ăn nhiều chất béo loại này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên gần 30%.

Vì vậy, trong 5 mẹo ăn uống để khỏe mạnh hơn cho năm mới, các chuyên gia khuyến cáo mọi người thay thế bơ, mỡ lợn bằng các loại dầu tốt cho sức khỏe như đậu nành, ngô, nghệ tây và hướng dưỡng; chọn thịt trắng, ví dụ thịt gia cầm và cá vì chúng có ít chất béo hơn thịt đỏ.

Hãy thử ăn các món hấp hoặc luộc thay vì thức ăn chiên, rán; kiểm tra nhãn thực phẩm và luôn tránh tất cả các thực phẩm chế biến nhanh, có chứa chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp.

Hạn chế ăn đường

5 meo an uong cho nam moi khoe manh 84dd8f

Thức ăn chứa nhiều đường không tốt cho sức khỏe. Ảnh: WHO

Quá nhiều đường không chỉ có hại cho răng mà còn làm tăng nguy cơ tăng cân và béo phì, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bệnh mãn tính.

Tương tự với muối, bạn cần lưu ý về lượng đường có trong thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn. Ví dụ, một lon soda có thể chứa tới 10 thìa cà phê đường, không tốt cho sức khỏe.

Các mẹo ăn uống do WHO gợi ý bạn nên hạn chế ăn đồ ngọt và đồ uống có đường như nước ngọt có ga, nước ép trái cây, nước có hương vị, nước uống cung cấp năng lượng cho hoạt động thể thao, trà và cà phê pha sẵn… Hãy chọn đồ ăn nhẹ tươi lành mạnh. Đặc biệt, mọi người nên tránh cho trẻ ăn thức ăn có đường, không nên thêm muối và đường vào thực phẩm bổ sung cho trẻ dưới 2 t.uổi.

Tránh sử dụng rượu

5 meo an uong cho nam moi khoe manh 8e363e

Người dân sử dụng các loại đồ uống có cồn là đang tự tàn phá sức khỏe của mình. Ảnh: WHO.

Rượu chưa bao giờ là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, mặc dù trong nhiều nền văn hóa, lễ mừng năm mới đều có rượu. Việc uống rượu quá nhiều hoặc quá thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương cơ thể, gây ra các bệnh lâu dài vi dụ tổn thương gan, ung thư, bệnh tim và bệnh tâm thần.

WHO từng khuyến cáo về việc không có mức tiêu thụ rượu nào là an toàn, đối với nhiều người, ngay cả mức độ sử dụng rượu thấp vẫn có thể liên quan đến các rủi ro sức khỏe đáng kể.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho biết, thai phụ hoặc mẹ đang cho con bú không nên uống rượu. Những người lái xe, vận hành máy móc hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến rủi ro liên quan cũng không nên uống rượu bởi chất cồn có thể làm cho các vấn đề sức khỏe này trở nên tồi tệ hơn.

Theo WHO/viettimes

Nhận biết thực phẩm sử dụng chất phụ gia an toàn

Làm thế nào để nhận biết thực phẩm an toàn khi hiện nay ngày càng nhiều vụ ngộ độc liên quan đến sử dụng phụ gia thực phẩm?

Để giải đáp về vấn đề này, Phóng viên Báo VOV đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Lưu Liên Hương, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu VIAM – Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

nhan biet thuc pham su dung chat phu gia an toan 7c3867

Thạc sĩ Lưu Liên Hương, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu VIAM – Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

Thưa bà, chất phụ gia đóng vai trò như thế nào trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm?

Thạc sĩ Lưu Liên Hương: Phụ gia thực phẩm (PGTP) là các chất được bổ sung thêm vào thực phẩm để bảo quản hay cải thiện hương vị và bề ngoài của chúng. PGTP có ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng, không bao gồm các chất ô nhiễm hoặc các chất bổ sung vào thực phẩm với mục đích tăng thêm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Sử dụng chất phụ gia hợp lý theo đúng quy định sẽ giúp cho thực phẩm ngon hơn, đẹp mắt hơn, giữ được lâu hơn mà vẫn đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Hiện nay, hơn 2.500 phụ gia đã được sử dụng trong công nghệ thực phẩm.

Những chất phụ gia độc hại nào mà chúng ta không biết khi ăn hằng ngày? Sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe?

Thạc sĩ Lưu Liên Hương: Những chất phụ gia độc hại là những chất phụ gia không có mặt trong danh mục cho phép sử dụng của Ủy ban châu Âu hoặc FAO. Việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ là yếu tố nguy cơ cao phơi nhiễm với những phụ gia độc hại đó. Có không ít các chất phụ gia có trong đồ ăn nhẹ hoặc thức ăn hằng ngày không được quy định, kiểm chứng là an toàn. Do đó, việc không có nhãn mác hoặc nhãn mác nhập nhèm khiến người tiêu dùng khó nhận biết được hóa chất gì đã được đưa vào thực phẩm.

Sử dụng những chất phụ gia ngoài danh sách sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm độc và gây hại cho sức khoẻ, có thể tăng nguy cơ của một số bệnh như ung thư, tim mạch, gây ra các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, béo phì, trầm cảm, chứng tăng động ở trẻ, hoặc mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa khác.

nhan biet thuc pham su dung chat phu gia an toan eda4db

Người tiêu dùng nên xem kỹ nhãn mác để biết rõ xuất xứ trước khi mua sản phẩm chất phụ gia.

Hiện nay, có rất nhiều món ăn có màu sắc bắt mắt mà không phải màu tự nhiên của thực phẩm. Những thực phẩm này tiềm ẩn nguy cơ gì?

Thạc sĩ Lưu Liên Hương: Màu sắc của thực phẩm không chỉ có tác dụng về mặt hình thức mà còn làm tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm và làm tăng cảm giác ngon miệng cho người dùng… Vì vậy, trong chế biến thực phẩm, ngoài việc bảo vệ màu tự nhiên vốn có của nguyên liệu, người ta đã sử dụng các loại phẩm màu thực phẩm (các chất màu giống màu tự nhiên của sản phẩm) tạo ra các màu sắc thích hợp cho các món ăn thương phẩm. Các chất màu cũng đóng một vai trò thiết yếu trong việc điều hòa sự hấp dẫn cho thức ăn.

Hiện nay, chất màu được chia làm hai loại: chất màu tự nhiên và chất màu tổng hợp. Có rất nhiều chất được sử dụng làm phẩm màu. Nhưng chỉ những chất ít độc, dễ thải loại ra khỏi cơ thể người và không bị biến chất, phân giải trong quá trình chế biến (đun nóng, lên men…), không lẫn các tạp chất độc hại… mới được sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay, vì lợi nhuận, có rất nhiều cơ sở sản xuất sử dụng phẩm màu không đảm bảo, thậm chí là phẩm màu hoá học để cho vào các sản phẩm thực phẩm nhằm hấp dẫn và thu hút người tiêu dùng. Phẩm màu hoá học thường không gây ra ngộ độc cấp tính mà gây độc do tích lũy từ các liều rất nhỏ như màu đỏ trong mứt hoa quả đóng hộp, màu vàng chanh trong thực phẩm lỏng, mứt cam, dưa chuột muối… Người tiêu dùng nên thận trọng, đọc kỹ nhãn dinh dưỡng trước khi mua sản phẩm.

Chất phụ gia dùng không đúng chỉ định trong chế biến thực phẩm sẽ ảnh hưởng như thế nào tới người tiêu dùng?

Thạc sĩ Lưu Liên Hương: Các phụ gia khi sử dụng quá liều lượng trong một thời gian dài sẽ gây ra các ngộ độc hóa học hoặc phản ứng. Việc này đặc biệt có liên quan đến phản ứng quá nhạy cảm của một số người đối với một phụ gia ngay cả khi nó được sử dụng ở mức an toàn. Ví dụ monodium glutamate (MSG), còn được gọi với tên thông thường là mỳ chính, được sử dụng phổ biến trong nấu nướng hằng ngày tại gia đình, trong các thức ăn đường phố như phở, mỳ, hủ tiếu… hoặc trong các thực phẩm công nghiệp như mỳ gói, thịt hộp… để làm tăng hương vị của thực phẩm có chứa chất protein. Với người kém nhạy cảm, thì việc sử dụng nhiều mỳ chính chỉ gây vị ngọt lợ, chứ ít khi gây ra phản ứng gì. Tuy nhiên, với những người nhạy cảm, chỉ cần một chút mỳ chính thôi cũng có thể khiến họ nhức đầu, mẩn ngứa…

Khi mua hàng, người tiêu dùng làm thế nào để nhận biết được thực phẩm sử dụng chất phụ gia đạt mức an toàn, thưa bà?

Thạc sĩ Lưu Liên Hương: Các PGTP trước khi đưa vào sử dụng đều được kiểm tra rất chặt chẽ về độ an toàn đối với sức khoẻ con người. Tuy nhiên, mỗi một loại phụ gia có quy cách và hàm lượng sử dụng khác nhau, cần được lưu ý và tìm hiểu kỹ lưỡng. Người tiêu dùng hãy đọc kỹ nhãn sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm lần đầu chúng ta sử dụng và đối chiếu các phụ gia trong sản phẩm với danh sách phụ gia cấm sử dụng.

Người dân cũng cần biết, một số phụ gia chỉ có hại khi dùng với liều lượng lớn, nhưng có khả năng gây ung thư khi tích tụ trong cơ thể với thời gian dài. Do đó, tốt nhất nên tránh sử dụng các sản phẩm có chứa PGTP. Nên sử dụng các sản phẩm hữu cơ – rau sống tươi, trái cây và quả mọng. Hãy cân nhắc khi mua những sản phẩm có hạn sử dụng được ghi trên nhãn rất dài vì nó là dấu hiệu cho thấy sản phẩm có nhiều chất bảo quản. Cũng không nên mua các loại thực phẩm có mùi vị quá hấp dẫn, màu sắc loè loẹt, quá bắt mắt.

Hiện nay, ngày càng nhiều vụ ngộ độc thực phẩm và số bệnh nhân ung thư ngày một tăng, bà có lời khuyên gì tới người tiêu dùng?

Thạc sĩ Lưu Liên Hương: Ngộ độc thực phẩm hiện nay ở Việt Nam liên quan nhiều đế n ATVSTP nghĩa là liên quan đến cách chế biến và bảo quản không đảm bảo vệ sinh dẫn đến bị nhiễm khuẩn, gây ngộ độc cho người sử dụng. Những bệnh ung thư hiện nay phần nhiều cũng liên quan đến thói quen ăn uống hoặc lối sống không lành mạnh. Còn PGTP hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học xác đáng để khẳng định có thể gây ung thư hay ngộ độ thực phẩm, đặc biệt là những phụ gia có trong danh mục cho phép sử dụng và sử dụng đúng liều lượng. Những công ty thực phẩm có uy tín sẽ luôn sử dụng những loại phụ gia có trong danh mục cho phép. Nếu đã được cấp phép sử dụng thì hiện tại những phụ gia này tương đối an toàn với người sử dụng. Còn nếu sử dụng những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thì việc không đảm bảo vệ sinh cũng như hóa chất thực phẩm là điều đương nhiên. Chính điều này mới đáng lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn gây ra ngộ độc thực phẩm và ung thư.

Xin cảm ơn bà!

Theo Lưu Hường/Báo VOV

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *